Helicobacter pylori (HP) là một loại vi khuẩn phổ biến trong niêm mạc dạ dày và là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày. Và cũng chính loại vi khuẩn này là yếu tố khiến cho nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày trở nên gia tăng một cách bất thường. Vậy cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP hiệu quả?
Cơ chế lây nhiễm của vi khuẩn HP
Tỉ lệ nhiễm khuẩn HP trên thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác, vị trí địa lý, thói quen sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên cách thức lây nhiễm thường là lây nhiễm chéo, truyền từ người này sang người khác.
Vi khuẩn HP thường được tìm thấy nhiều nhất trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây nhiễm sang người lành thông qua đường ăn uống, nước bọt, phân và dịch tiêu hóa. Đặc biệt do thói quen ăn uống của người dân ta thường ăn chung một bát nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để bày tỏ sự hiếu khách khiến tỷ lệ lây nhiễm vi khuẩn HP ở nước ta ngày càng có chiều hướng tăng cao.
Ngoài ra, nếu yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ nhiễm khuẩn HP gia tăng mạnh mẽ.
Theo thống kê tại hội nghị khoa học tiêu hóa gan mật năm 2017 cho biết, có khoảng 70% dân số Việt Nam bị nhiễm khuẩn HP. Ở Hà Nội, cứ 1000 người thì có tới 700 người bị nhiễm HP còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 90% người bị viêm dạ dày có sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Một con số đáng báo động. Hiện nay, con số này đã tăng lên đáng kể.
Cách phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP hiệu quả
Nói về vấn đề này, các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa cho biết “Để phòng ngừa không bị nhiễm vi khuẩn HP thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được đặt lên hàng đầu. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ giúp phòng chống lây nhiễm chéo, phòng ngừa tái nhiễm mà còn giữ cho cơ thể khỏe mạnh, vì nếu nhiễm số lượng ít vi khuẩn HP, cơ thể khỏe mạnh có thể tự đào thải vi khuẩn.”
Theo đó, để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng, nên hạn chế tối đa dung nạp các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi, tiết canh, các loại thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc bởi đa số loại thực phẩm này không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây các bệnh đường tiêu hóa trong đó có nhiễm khuẩn HP.
Không nên dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, uống nước chung cốc, gắp thức ăn cho nhau. Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì việc vệ sinh dụng cụ ăn uống tại hàng quán rất kém không loại bỏ hết được vi khuẩn HP. Diệt trừ ruồi muỗi, giữ gìn vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tráng nước sôi vào các dụng cụ ăn uống dùng chung trong gia đình. Đặc biệt là trong những thời gian nồm, ẩm cao hoặc mùa mưa bão.
Để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP, người lớn nên tránh không hôn trẻ, không cho trẻ ăn bằng cách nhai đút mớm, tránh thói quen chọc ngoáy thức ăn bằng đũa của mình hoặc làm đảo, xúc, bón thức ăn của trẻ nhỏ trong bữa cơm gia đình. Đồng thời, phụ huynh nên rèn cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm khuẩn HP cho trẻ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên rằng mọi người nên tăng cường bổ sung lợi khuẩn bằng các loại thức uống như sữa chua, men sống lợi khuẩn… giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi khuẩn HP lâu dài hơn.
Thông qua bài viết Cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP hiệu quả? bạn đọc nhận thấy để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và an toàn, miễn dịch được trước vi khuẩn HP, mỗi người hãy tự xây dựng cho mình thói quen sống lành mạnh, ăn uống vệ sinh và lưu ý giữ gìn vệ sinh chung để không mang nguy cơ lây bệnh đến cho những người trong gia đình và toàn xã hội.
Các Bạn Có Thể Quan Tâm: tác dụng của nghệ nano, trào nguoc da day thuc quan, trào ngược dạ dày ăn gì, bệnh lý trào ngược dạ dày ở trẻ, cách xử lý trào ngược dạ dày