Viêm loét dạ dày tá tràng – Những điều cần biết P2

Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh lý tiêu hóa thường gặp. Khi mới phát hiện, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khi được chẩn đoán là đã sang giai đoạn mạn tính và điều trị khó khăn, tái phát lại nhiều lần và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết Viêm loét dạ dày tá tràng – Những điều cần biết P2 để thấy được cơ chế và những nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì nhé!

Cơ chế bệnh sinh viêm loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là kết quả của sự mất cân bằng giữa 2 nhóm yếu tố: Nhóm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, tá tràng và nhóm yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày – tá tràng.

Trong đó:

  • Nhóm yếu tố bảo vệ niêm mạc: HCO3, chất nhầy mucin, hàng rào niêm mạc dạ dày.
  • Nhóm yếu tố phá hủy niêm mạc: HCl, pepsin.

Vi khuẩn HP, căng thẳng, stress, thuốc giảm đau…nguyên nhân gây viêm loét dạ dày 

  • Nhóm những nguyên nhân gây hoạt hoá yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày-tá tràng:
    − Sự căng thẳng, stress tâm lý kéo dài gây nên trạng thái cường phó giao cảm từ đó tăng tiết HCl và tăng co bóp cơ trơn dạ dày.
    − Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) sẽ hủy hoại tế bào D ở niêm mạc tá tràng (là tế bào tiết somatostatin có tác dụng ức chế tiết gastrin), qua đó sẽ gây tăng tiết HCl.
  • Nhóm những nguyên nhân làm suy giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày:
    − Sự căng thẳng, stress tâm lý kéo dài sẽ làm các tế bào nhầy ở niêm mạc dạ dày giảm bài tiết HCO3.
    − Rượu và các thuốc giảm đau chống viêm Nsaids ngoài việc thông qua cơ chế tái khuyếch tán ion H + còn ức chế sự tổng hợp prostaglandin do đó đồng thời vừa làm tăng tiết HCl vừa hủy hoại tế bào niêm mạc dạ dày cũng như làm giảm sự sinh sản tế bào niêm mạc dạ dày.
    − Corticoid và các dẫn xuất của nó qua cơ chế giảm tổng hợp glucoprotein (một thành phần cơ bản của chất nhầy) sẽ làm giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.
    − Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) ở niêm mạc dạ dày-tá tràng sẽ sản sinh ra NH3 vừa cản trở sự tổng hợp chất nhày vừa làm biến đổi cấu trúc phân tử chất nhầy từ dạng hình cầu sang dạng hình phiến mỏng, khiến cho lớp chất nhầy dễ bị tiêu hủy bởi pepsin. Ngoài ra chính Helicobacter Pylori (HP) còn tiết ra protease, phospholipase, độc tố 87 KDA protein và kích thích tiết interleukin γ gây tổn thương trực tiếp lên tế bào niêm mạc dạ dày.
    − Yếu tố thể tạng: nhóm máu O có tần suất loét cao hơn các nhóm máu khác, điều này có lẽ liên quan đến sự ưu tiên kết hợp giữa nhóm O và HP, sự liên quan giữa HLAB5 antigen với tần suất loét tá tràng.
    − Vai trò của thuốc lá trong việc ức chế tiết HCO3 của tuyến tụy, gia tăng sự thoát dịch vị vào tá tràng đồng thời tạo nên các gốc tự do gây tổn hại đến niêm mạc dạ dày.

Trên đây là 1 số cơ chết gây tổn thương dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Tiếp theo trong Viêm loét dạ dày tá tràng – Những điều cần biết P2 chúng ta cùng tìm hiểu thêm về những nguyên nhân gây ra bệnh!

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày xảy ra khi yếu tố phá hủy mạnh hơn yếu tố bảo vệ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, một số nguyên nhân chủ yếu đó là:

  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Đây là vi khuẩn sau khi xâm nhập sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày người. Chúng tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Chúng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm dạ dày mạn tính tiến triển thành loét hoặc ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP- quyết định đến 90% nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng

  • Thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm: Các loại thuốc giảm đau và kháng viêm khi sử dụng lâu có tác dụng ức chế các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày gây đau và viêm loét dạ dày.
  • Stress: Căng thẳng, buồn phiền, tức giận, lo lắng, sợ hãi khiến mất cân bằng chức năng cho dạ dày làm dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây viêm loét dạ dày.
  • Ăn uống và sinh hoạt: Việc ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống quá nhiều rượu dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày.
  • Các nguyên nhân tự miễn, do hóa chất …

Thông qua bài viết Viêm loét dạ dày tá tràng – Những điều cần biết P2 bạn đọc đã cùng chúng tôi tìm hiểu cơ chế và nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Muốn biết phương pháp chuẩn đoán bạn cũng như các loại thuốc điều trị bệnh như thế nào cùng đón đọc Viêm loét dạ dày tá tràng – Những điều cần biết P3 nhé!

 

Có Thể Bạn Quan Tâm: Bệnh lý trào ngược dạ dàyĐau thượng vị là dấu hiệu của bệnh gìviêm loét dạ dày cấpnguyên nhân gây viêm loét dạ dàyđiều trị viêm loét dạ dày bao lâu