10 thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây viêm tấy thực quản. Nếu không điều trị triệt để, lâu dần bệnh sẽ tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như chít hẹp thực quản, thậm chí ung thư thực quản. Nhiều thói quen trong cuộc sống hằng ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là khi nói đến sức khỏe của đường ruột. Dưới đây là 10 thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày và lý do tại sao bạn nên loại bỏ chúng để hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh hơn.

Trào ngược dạ dày- bệnh lý phổ biến hiện nay
Trào ngược dạ dày- bệnh lý phổ biến hiện nay

1/ Ăn nhanh, nhai ẩu

Ăn nhanh, nhai ẩu không những làm cho chúng ta mất đi cảm giác ngon miệng, thức ăn khó tiêu hóa mà còn gây ra một loạt những vấn đề rắc rối khác như là: dễ ho sặc, nghẹn, hóc xương và mắc phải chứng trào ngược axit thực quản.

Cách ăn rất quan trọng trong chuỗi tiêu hóa thức ăn của đường ruột. Về mặt sinh lý, miệng và ống thực quản là đoạn đầu của đường tiêu hóa, chúng có nhiệm vụ tiếp nhận thức ăn và nghiền thành những mảnh nhỏ. Tiếp đó thức ăn được đưa từng đợt xuống ống thực quản đi vào dạ dày. Nhai là nhiệm vụ bắt buộc để nghiền nhỏ và nhào trộn thức ăn cùng với nước bọt giúp cho thức ăn dễ tiêu hóa hơn và không gây sặc.

Khoang miệng sẽ tiết ra chất Amlase giúp làm chín một phần tinh bột trong khi chúng ta đang nhai thức ăn. Nếu nhai kĩ và chậm thì thức ăn sẽ được nghiền nhỏ và cơ thể đã hấp thụ ngay được một số chất dinh dưỡng mà chưa cần nhờ tới hoạt động của dạ dày.

Ăn quá nhanh không tốt cho dạ dày
Ăn quá nhanh không tốt cho dạ dày

Khi nhai quá nhanh, não bộ sẽ không kịp nhận những tín hiệu từ dạ dày truyền tới, khiến cho cơ thắt thực quản đóng mở bất thường đồng thời dạ dày cũng chưa kịp co bóp và tiết ra dịch vị. Người ăn uống vội vàng thường hay bị nghẹn đi kèm với cảm giác đau tức thượng vị, chướng bụng đầy hơi. Lâu ngày, những cơ quan này bị suy yếu dần do làm việc quá tải. Thức ăn sau khi xuống dạ dày dễ bị trôi ngược trở lại gây ra hiện tượng trào ngược thực quản.

Không chỉ vậy, ăn nhanh khiến hệ tiêu hóa hạn chế tiết các hormone thông báo rằng dạ dày đã đầy, chúng ta sẽ mất đi cảm giác no và có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường nên dễ bị bội thực và tăng cân.

2/ Đi ngủ sau khi ăn no

Sau khi ăn no, chúng ta thường cảm thấy buồn ngủ, nhất là vào buổi trưa. Điều này càng dễ xảy ra nếu bữa ăn có nhiều tinh bột và đường.

Cơn buồn ngủ sau khi ăn là do dạ dày truyền tín hiệu lên não để kích thích não bộ sản xuất một lượng lớn serotonin – chất dẫn truyền thần kinh này là thủ phạm gây buồn ngủ và mệt mỏi sau khi ăn.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, sau khi ăn no chúng ta không nên đi ngủ ngay, đặc biệt là với người già. Bởi lúc này, áp lực của dạ dày tăng cao. Nếu nằm ngửa ngay lập tức thì thức ăn và dịch vị trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, có thể dẫn đến hiện tượng nôn mửa, lâu ngày gây ra chứng viêm thực quản do trào ngược axit và bệnh đau dạ dày.

Ăn no mà ngủ ngay thì thức ăn khó tiêu hóa, dễ gây chướng bụng, sau khi ngủ dậy bạn sẽ thấy bụng dạ ì ạch và khó chịu hơn nhiều lần.

Thêm vào đó, nằm ngủ sau khi ăn sẽ là nguyên nhân khiến dạ dày trở nên căng tức, nó đẩy cơ hoành lên chèn ép hoạt động của tim.

Vì vậy, sau khi ăn, bạn nên ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng khoảng 30 phút để ăn trong dạ dày được tiêu hóa, áp lực trong dạ dày giảm đi. Sau đó mới nên đi ngủ.

3/ Đi đại tiện ngay sau khi ăn

Đại tiện ngay sau khi ăn
Đại tiện ngay sau khi ăn

Khi thức ăn trong dạ dày chưa được tiêu hóa, đi đại tiện ngay lập tức là không nên. Vì khi nín thở sẽ khiến áp lực trong dạ dày đột ngột tăng lên. Điều này có thể khiến axit dạ dày và các enzyme tiêu hóa trào ngược lên thực quản, lâu dần gây viêm loét thực quản.

Ngoài ra, đi đại tiện ngay sau khi ăn có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ bàng quang; trào ngược dịch mật; sung huyết, phù nề, viêm niêm mạc dạ dày.

Do vậy, tốt nhất nên đi đại tiện vào buổi sáng sớm, sau khi ngủ dậy.

4/ Lạm dụng ống hút

Sử dụng ốn hút nhựa không tốt cho dạ dày
Sử dụng ốn hút nhựa không tốt cho dạ dày

Ống hút là một loại vật dụng tuy nhỏ bé nhưng lại vô cùng tiện lợi với chúng ta. Thế nhưng, việc lạm dụng ống hút này có thể đem lại một số rắc rối với hệ tiêu hóa của bạn.

Các chuyên gia cho biết, khi bạn uống nước bằng ống hút, một lượng khí rất lớn đi vào dạ dày. Chúng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu vì bị đầy hơi. Do đó, để tránh tình trạng này thì tốt nhất bạn nên từ bỏ thói quen dùng ống hút.

5/ Thường xuyên nhai kẹo cao su

Nhai kẹo cao su là sở thích của nhiều người. Nó cũng mang lại rất nhiều lợi ích như là: giúp bạn tỉnh táo hơn, giảm căng thẳng, chống khô miệng, ngừa sâu răng…Thế nhưng nhai quá lâu hoặc quá nhiều thì lại phản tác dụng.

Nhai kẹo cao su thường xuyên cũng giống như việc chúng ta lạm dụng ống hút. Nhai kẹo cao su thường xuyên khiến vô tình khiến cho một lượng không khí lớn vào bên trong dạ dày, gây ra hiện tượng đầy hơi. Đồng thời, nó làm cho axit trong dịch vị tiết ra nhiều hơn dẫn đến viêm loét dạ dày và chứng trào ngược axit.

Thường xuyên nhai kẹo cao su còn gây ra một số tác hại khác như là:

  • Làm tăng cảm giác thèm ăn nên bạn dễ bị tăng cân
  • Rối loạn khớp thái dương hàm có thể khiến răng bị xô lệch
  • Tác nhân gây đau đầu

6/ Uống nhiều bia rượu

Uống rượu là thói quen xấu gây trào ngược dạ dày thực quản
Uống rượu là thói quen xấu gây trào ngược dạ dày thực quản

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng trào ngược axit thực quản. Tuy nhiên, người ta đã chứng minh rằng thường xuyên uống bia rượu là một trong những tác nhân chính. Theo một nghiên cứu ở Mỹ cho biết, tỷ lệ người có dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản tăng lên khi số lượng rượu tiêu thụ tăng lên, tính theo tuần.

Khi bạn uống bia rượu, các thành phần trong những loại đồ uống này kích thích niêm mạc dạ dày khiến cho các cơ dưới thực quản giãn nở, đẩy axit từ dạ dày lên thực quản. Do đó, người uống sẽ xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng, cồn cào ruột gan, đau thượng vị, đầy hơi, đắng miệng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể sẽ làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày và mắc bệnh trào ngược.

7/ Hút thuốc lá

Cơ vòng thực quản là vị trí cuối cùng của ống thực quản đóng vai trò như một cánh cửa tự động để đẩy thức ăn xuống dạ dày. Sau khi thức ăn xuống dạ dày, nó sẽ đóng chặt lại để ngăn không cho thức ăn trôi ngược trở lại.

Hút nhiều thuốc lá kích thích cơ thể bài tiết Pepsin làm suy yếu và rối loạn hoạt đông của cơ vòng thực quản này, chúng sẽ đóng mở không theo quy trình. Và đó là lý do thức ăn sau khi đi xuống dạ dày vẫn có thể trào ngược trở lại cùng với dịch vị.

Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm lưu lượng máu tại niêm mạc dạ dày đồng thời ức chế dạ dày bài tiết chất nhầy, các tế bào bị viêm loét sẽ lâu lành lại. Nếu không từ bỏ sớm, những người nghiện thuốc lá lâu năm có thể phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết và ung thư dạ dày bất cứ lúc nào.

Hút thuốc lá - nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Hút thuốc lá – nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

8/ Uống nhiều nước ngọt có ga

Các loại nước ngọt có ga rất hấp dẫn với mọi người vì hương vị tuyệt vời mà nó mang lại. Nhưng thực ra ngoài hương vị hấp dẫn ấy thì chúng chẳng mang lại một chút lợi ích nào cho sức khỏe.

Nước ngọt có ga kích thích tăng tiết axit trong dịch vị và khiến cho các triệu chứng như ợ hơi, chướng bụng xuất hiện nhiều hơn sau khi ăn. Do đó, để hạn chế tình trạng này, tốt nhất là chúng ta nên hạn chế uống, hoặc nếu có uống thì nên mở nắp hộp nước ngọt trước khi uống khoảng vài phút để cho khí ga thoát bớt ra ngoài, sau đó đổ ra cốc và cho thêm đá trước khi sử dụng.

9/ Lạm dụng thuốc giảm đau

Các loại thuốc giảm đau kháng viêm không kê đơn như Aspirin, Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac, và Naproxen có thể ức chế dạ dày sản xuất chất nhầy để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi lớp chất nhầy mỏng dần, nó sẽ dễ bị axit tấn công và phá hủy gây viêm loét niêm mạc dạ dày và trào ngược.

Lạm dụng thuốc giảm đau tiềm ẩn nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng
Lạm dụng thuốc giảm đau tiềm ẩn nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng

10/ Thường xuyên mặc quần áo quá chật

Quần áo bó sát gây áp lực lớn lên các cơ quan thuộc phần thân giữa của cơ thể, trong đó có dạ dày, đặc biệt tăng cao khi ăn no. Áp lực lớn này dễ khiến cho axit trong dạ dày đẩy ngược lên thực quản gây viêm loét thực quản.

Vì thế, đừng nên mặc quần áo chật khi ăn, cũng đừng nới lỏng cạp quần ngay lập tức sau khi ăn no. Cách tốt nhất là nên lựa chọn trang phục thoải mãi, co giãn tốt trước khi ngồi vào bàn ăn.

Trên đây là 10 thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày, mong rằng qua bài viết này bạn đọc sẽ biết cách để thay đổi thói quen để từ đó phòng ngừa và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

 

Có Thể Bạn Quan Tâm: Bệnh lý trào ngược dạ dàyĐau thượng vị là dấu hiệu của bệnh gìnguyên nhân gây viêm loét dạ dàyđiều trị viêm loét dạ dày bao lâu